Ngày 22 tháng 04 năm 2010, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 66/2010/TT-BTC hướng dẫn thực hiện việc xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết. Việc xác định các bên có quan hệ liên kết là vô cùng quan trọng vì giao dịch giữa các bên có quan hệ liên kết là đối tượng được áp dụng thủ tục thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA). Đặc biệt là trong bối cảnh các tập đoàn nước ngoài đang đầu tư ngày càng nhiều vào Việt Nam và việc xác định được mối quan hệ liên kết giữa những thành viên trong hệ thống tập đoàn không hề đơn giản.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì có ba trường hợp được coi là các bên liên kết:
- Một bên tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư dưới mọi hình thức vào bên kia.
Ví dụ: Công ty A hoạt động tại Việt Nam.
Công ty B đặt tại Singapore nắm giữ 20% vốn điều lệ của công ty A.
Công ty C đặt tại Hong Kong là cổ đông lớn của công ty D cũng đặt tại Hong Kong hoặc bất kỳ quốc gia nào khác và công ty D cũng năm giữ 20% vốn điều lệ của công ty A.
Các bên liên kết trong trường hợp này bao gồm:
- Công ty A và công ty B: liên kết trực tiếp;
- Công ty A và công ty C: liên kết gián tiếp;
- Công ty A và công ty D: liên kết trực tiếp.
Vậy, giao dịch liên kết giữa công ty A – B, giữa công ty A – C, giữa công ty A – D là những giao dịch có thể áp dụng APA.
- Các bên trực tiếp hay gián tiếp cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư dưới mọi hình thức của một bên khác.
Ví dụ: Công ty A đặt tại Singapore, có hai công ty con là công ty B tại Việt Nam và công ty C tại Thái Lan. Công ty A cùng lúc sở hữu 20% vốn điều lệ tại hai công ty con này. Vậy, giao dịch giữa công ty B và công ty C được xem là một giao dịch liên kết và có thể áp dụng APA.
- Các bên cùng tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư dưới mọi hình thức vào một bên khác.
Ví dụ:
Công ty A đặt tại Việt Nam, công ty B đặt tại Singapore. Cả hai công ty này đều nắm giữ ít nhất 20% vốn điều lệ của công ty C tại Việt Nam. Giao dịch giữa công ty A và B được xem là một giao dịch liên kết và có thể áp dụng APA.
Công ty A đặt tại Việt Nam. Công ty B đặt tại Hong Kong, sở hữu 20% vốn điều lệ tại công ty C, đặt tại Singapore. Công ty A và công ty C sở hữu 20% vốn điều lệ tại công ty D, cũng đặt tại Việt Nam. Vậy, giao dịch giữa công ty A và công ty B cũng là một giao dịch liên kết và có thể áp dụng APA.
Tuy nhiên, việc xác định các bên liên kết là tương đối phức tạp do tính chất phức tạp của các tập đoàn. Nhưng giữa các thành viên trong tập đoàn với nhau lại phát sinh rất nhiều giao dịch như: mua bán nguyên liệu sản xuất, mua bán dây chuyền vận hành, chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ,… nên đôi khi, việc xác định được thế nào là các bên liên kết còn tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể khi xin áp dụng APA.
Thông tư 66/2010/TT-BTC đưa ra một số cách thông thường để xác định bên liên kết như sau:
- Một doanh nghiệp nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 20% vốn đầu tư của chủ sở hữu của doanh nghiệp kia;
- Cả hai doanh nghiệp đều có ít nhất 20% vốn đầu tư của chủ sở hữu do một bên thứ ba nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp;
- Cả hai doanh nghiệp đều nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 20% vốn đầu tư của chủ sở hữu của một bên thứ ba;
- Một doanh nghiệp là cổ đông lớn nhất về vốn đầu tư của chủ sở hữu của doanh nghiệp kia, nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 10% vốn đầu tư của chủ sở hữu của doanh nghiệp kia;
- Một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 20% vốn đầu tư của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay;
- Một doanh nghiệp chỉ định thành viên ban lãnh đạo điều hành hoặc kiểm soát của một doanh nghiệp khác với điều kiện số lượng các thành viên được doanh nghiệp thứ nhất chỉ định chiếm trên 50% tổng số thành viên ban lãnh đạo điều hành hoặc kiểm soát của doanh nghiệp thứ hai; hoặc một thành viên được doanh nghiệp thứ nhất chỉ định có quyền quyết định các chính sách tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thứ hai;
- Hai doanh nghiệp cùng có trên 50% thành viên ban lãnh đạo hoặc cùng có một thành viên ban lãnh đạo có quyền quyết định các chính sách tài chính hoặc hoạt động kinh doanh được chỉ định bởi một bên thứ ba;
- Hai doanh nghiệp được điều hành hoặc chịu sự kiểm soát về nhân sự, tài chính và hoạt động kinh doanh bởi các cá nhân thuộc một trong các mối quan hệ sau: vợ và chồng; bố, mẹ và con (không phân biệt con đẻ, con nuôi hoặc con dâu, con rể); anh, chị, em có cùng cha, mẹ (không phân biệt cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi); ông nội, bà nội và cháu nội; ông ngoại, bà ngoại và cháu ngoại; cô, chú, bác, cậu, dì ruột và cháu ruột;
- Hai doanh nghiệp có mối quan hệ trụ sở chính và cơ sở thường trú hoặc cùng là cơ sở thường trú của tổ chức, cá nhân nước ngoài;
- Một doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm sử dụng tài sản vô hình hoặc quyền sở hữu trí tuệ của một doanh nghiệp khác với điều kiện chi phí phải trả cho việc sử dụng tài sản vô hình, quyền sở hữu trí tuệ đó chiếm trên 50% giá vốn (hoặc giá thành) sản phẩm;
- Một doanh nghiệp cung cấp trực tiếp hoặc gián tiếp trên 50% tổng giá trị nguyên vật liệu, vật tư hoặc sản phẩm đầu vào (không bao gồm chi phí khấu hao đối với tài sản cố định) để sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm đầu ra của một doanh nghiệp khác;
- Một doanh nghiệp kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp trên 50% sản lượng sản phẩm tiêu thụ (tính theo từng chủng loại sản phẩm) của một doanh nghiệp khác;
- Hai doanh nghiệp có thỏa thuận hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng.
Các doanh nghiệp có nhu cầu áp dụng thủ tục thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế cũng như mong muốn xác định cụ thể những giao dịch liên kết nào có thể được áp dụng thủ tục này, xin vui lòng liên hệ Công ty Dịch Vụ Doanh Nghiệp Đại Vũ Gia để được tư vấn và hướng dẫn chi tiết.
Bài viết liên quan: